Giá dầu tăng
Giá dầu tăng song có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, khi triển vọng nguồn cung được cải thiện do bị gián đoạn bởi xung đột Nga – Ukraine.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/3, dầu thô Brent tăng 3,34 USD tương đương 3,1% lên 112,67 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp 107,13 USD/thùng trong đầu phiên giao dịch và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,31 USD tương đương 3,1% lên 109,33 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 104,48 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 20% trong tuần trước đó, song giảm 4,8% trong tuần này sau khi đạt 139,13 USD/thùng trong phiên ngày 7/3/2022. Giá dầu WTI giảm 5,7% sau khi đạt mức cao 130,5 USD/thùng trong phiên ngày 7/3/2022.
Mối lo ngại về nguồn cung gia tăng, khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đối mặt với nguy cơ sụp đổ, sau yêu cầu của Nga buộc các cường quốc năng lượng thế giới phải tạm dừng đàm phán.
Nhà phân tích Vivek Dhar thuộc Commonwealth Bank cho biết, trong ngắn hạn thiếu hụt nguồn cung khó có thể được bù đắp bởi sản lượng bổ sung từ các thành viên của OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, do Nga là 1 phần của nhóm. Một số nhà sản xuất thuộc OPEC+ bao gồm Angola và Nigeria, rất khó đạt được mục tiêu sản xuất cũng hạn chế khả năng bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga.
Giá khí tự nhiên tiếp đà tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 2%, do thời tiết lạnh khiến sản lượng bị cắt giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt gần mức cao kỷ lục.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 9,4 US cent tương đương 2% lên 4,725 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 6% sau khi tăng 12% trong tuần trước đó.
Giá nhôm tăng
Giá nhôm tăng song có tuần giảm gần 10%, do sự không chắc chắn về xuất khẩu của Nga đã đẩy giá tăng lên mức cao kỷ lục.
Giá nhôm trên sàn London tăng 1,9% lên 3.493 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng 25% sau khi tăng 42% năm 2021.
Nga sản xuất khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu và là nước sản xuất đồng và nickel chủ yếu, các kim loại quý, năng lượng và cây trồng.
Ngoài ra, giá nhôm tăng còn do tồn trữ nhôm tại London giảm xuống 755.950 tấn, so với gần 2 triệu tấn 1 năm trước đó.
Giá thép và quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 5% và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tại các nhà máy thép hồi phục.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 3,8% lên 822 CNY/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng 5,9% lên 839 CNY (132,66 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 1,2%. Giá than luyện cốc tăng 0,7% lên 3.038 CNY/tấn và giá than cốc tăng 0,2% lên 3.678 CNY/tấn.
Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil trong tuần trước đạt 22,45 triệu tấn, giảm 567.000 tấn so với tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9% lên 4.917 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 5.137 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 giảm phiên thứ 3 liên tiếp và giảm 3,6% xuống 19.235 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép không gỉ tăng 2,5% trong bối cảnh giá nickel nguyên liệu biến động.